Saturday, May 28, 2022

Cảnh sắc thiên nhiên Pù Luông

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa, 26-28.5.2022.

Nhìn từ trên một cung đường trên núi cao sang một góc của Khu bảo tồn thiên Pù Luông, mới thấy thiên nhiên thật hùng vĩ. Có lẽ sẽ cần nhiều giấy mực để nói về những khu rừng giá trị như Pù Luông, Cúc Phương, Pù Mát, v.v.. Nhưng những dòng tiếp theo chỉ về Pù Luông, trong lần đi thăm thứ hai của gia đình tôi và vài anh em đồng nghiệp. Lần đi trước đã cách đây đúng 6 năm.

* * *

Trong ảnh bên dưới chỉ là một khung hình nhỏ của dãy núi bao quanh, có một tán cây màu đỏ rực giữa núi rừng xanh sẫm sau ngày mưa. Tôi chịu không biết tên gọi cây đó, sau đó cũng không có ai để nói giúp cho biết là cây gì.

Pù Luông, 26-5-2022

Cảnh sắc thiên nhiên Pù Luông lập tức nhắc về những gì tưởng tượng qua miêu tả sinh động từ những trang sách của cố văn sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tú, với Trong Rừng Dẻ Gai [1]. Ấn tượng đó đã đi theo suy nghĩ về giá trị thiên nhiên tới cả những bài xuất bản mãi về sau này, tới hơn 40 năm sau như bài trên Journal of Sustainability Education [2].

Tuy vậy, khác với Trong Rừng Dẻ Gai, ở đó hiện lên khung cảnh rừng hoang sơ, đường đất, những lán rừng tạm thời chiến tranh, thì ngày nay ở ngay rừng bảo tồn thiên nhiên, đường bê tông đã thuận tiện cho giao thông lắm rồi. Chất lượng đường cũng không có gì để phàn nàn, mặc dù có thể đường không lớn lắm (như trong hình dưới đây). Tất nhiên khi lên các địa hình núi cao hơn thì vẫn có khá nhiều đoạn đường đất đỏ, đậm chất núi rừng và có phần hoang sơ hơn.

Đường đi quanh ruộng bậc thang của người dân. Ở Pù Luông đa phần là người Thái.

Trong các cánh rừng Pù Luông đi qua, ta dễ bắt gặp rất nhiều cây gỗ lát hoa, một loại gỗ quý. Ngày nay, nhiều bạn trẻ ít biết tại sao gỗ lát lại quan trọng và có ý nghĩa nhắc nhớ lịch sử. Tôi phải giải thích thời bao cấp, những năm thập niên 1970-1980, gia đình nào có tủ hay bàn ghế bằng gỗ lát hoa, có vân hoa đẹp là rất sang trọng. Ai nhìn thấy là tấm tắc khen, và hết đỗi khâm phục. Đó là vì rất khó có được gỗ lát. Chính vì hiếm cho nên với cánh cửa tủ, người ta chỉ có thể ghép các miếng gỗ lát mỏng vài ly lên bề mặt, sau đó dùng véc-ni đánh bóng cho nổi vân hoa sáng đẹp lên. Ngồi uống trà có khi cả nửa buổi chỉ có bình phẩm về hình dáng của vân lát ở cánh cửa tủ. Nó quý đến thế đấy, và chứa cả giá trị văn hóa, tinh thần. Trong hình dưới đây là một cây lát hoa ở Pù Luông.

Một cây gỗ lát hoa chưa lớn lắm. Cây lớn có thể có đường kính gấp cả chục lần cây này, nhưng ngày nay có lẽ sẽ rất khó gặp, trừ khi có điều kiện đi vào các khu rừng già trong các cánh rừng nguyên sinh.

Nhưng nếu nói về một cây yêu thích mà tôi bắt gặp trong lần đi Pù Luông này thì đó là cây trám. Thỉnh thoảng, bữa cơm gia đình vẫn có trám ngâm nước mắm, hoặc kho cá, vào mùa thu. Lúc khoảng 13 tuổi, có lần đi về vùng núi Yên Thế, Bắc Giang, tôi cũng được chỉ cho cây trám ở rừng và cả trong làng. Lúc đó, tôi rất thích thú, vì đã có ấn tượng về cây trám qua truyện vừa Đảo Hoang của cụ Tô Hoài [3]. Trong Đảo Hoang, cụ nhắc khá nhiều về ba loại cây rừng là rau ngót, cọ và trám. Tôi không rõ lý do, nhưng có vẻ cụ cũng thích những loại cây này thì phải. Vì cụ tả rất sinh động hình ảnh bọn hươu nai về quanh gốc trám ăn trám rụng, nên tôi cứ cố tưởng tượng mãi. Tất nhiên, những năm đầu 1980, dù rừng núi Yên Thế còn khá nhiều, nhưng cũng chẳng có cách gì mà gặp hươu nai hoang dã về ăn trám rụng như cụ Tô Hoài kể. Nhưng dù có hơi thất vọng, việc được nhìn tận mắt cây trám cao lớn, xanh rì ở rừng cũng là điều tuyệt vời rồi.

Trong hình ảnh (chụp 27.5.2022) là một cây nhãn (thấp hơn, bên trái) và trám (cao vọt lên, bên phải). Lá nhãn to, xanh đen bóng. Lá cây trám xanh tươi hơn, thưa hơn và khá đối xứng, nhưng các cành nhỏ có độ dài ngắn hơn lát, và không có lá non màu đỏ như lát. Thân trám thường thẳng cao vút lên rồi mới chia cành lớn phía trên.

Tìm quanh gốc cây, đã thấy có vài quả trám còn xanh rụng sau trận mưa rừng. Nhìn quả trám thì không thể lẫn vào đâu được, vì chẳng có loại quả quen thuộc nào lại có hình dạng giống như quả trám cả. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, hình quả trám cũng là một loại hình tượng dùng để tả tính chất tựa như hình thoi. Tôi có lượm vài quả trong hình dưới đây để tự mình thấy vui.

Tìm quanh gốc cây trám thấy được 3 quả rụng sau trận mưa đêm. Chúng còn tươi nguyên, màu xanh sáng, chứng tỏ còn rất xanh. Rụng là do mưa nặng hạt và gió lắc.

Ngay cửa vào nơi ở còn có một cây mận rừng. Không thấy có quả nào, nhưng gốc cũng đã khá lớn. 


Nói đến cây rừng thì không cứ phải là cây gỗ quý như lát, cây lớn có quả như trám, mà cả cây nhỏ, nhất là các loài có dược tính được biết đến rộng rãi trong dân gian. Ngoài cây mã đề đã rất quen thuộc với người Việt, một đồ uống chữa nhiệt và viêm nổi tiếng, được giới thiệu từ Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của cụ Đỗ Tất Lợi [4] (sau này chính tôi cũng dùng kinh nghiệm sử dụng mã đề của bản thân làm "nguyên liệu" cho cuốn A New Theory of Serendipity mới hoàn thành [5]), thì còn một loại cây gặp lần này: cây hoa sói rừng trong ảnh bên dưới.

Có vẻ theo quan sát của tôi thì răng cưa mép lá trưởng thành của sói rừng nhọn sắc hơn hoa sói trồng cảnh ở đô thị, và đài hoa cũng ngắn và ít hoa hơn một chút. Nhưng cơ bản thì không có khác biệt gì đáng kể. Dù là bắt gặp thoáng qua trong rừng cũng có thể nhận biết được ngay.

Ngoài cây rừng, thì cũng không thể không nhắc tới cảnh sắc đẹp mà khó có ngòi bút nào tả xiết của ruộng lúa nương người đồng bào, lúc này các bông lúa trĩu nặng hạt đã sắp chín. Chỉ khoảng 7-10 ngày nữa là sẽ chín rộ, và cả một khung cảnh lúa chín vàng sẽ làm thay đổi toàn bộ cảnh sắc đất trời vùng núi nơi đây. Còn ngay bây giờ thì là màu xanh ngát, xen lẫn là vô số những bông lúa đang dần ngả màu vàng của lúa chín.

Lúa nương Pù Luông cuối tháng 5-2022, chỉ còn chừng một tuần nữa là chín rộ. Ở chân ruộng vẫn còn nhiều nước đọng từ các trận mưa rừng.

Cuối cùng là hình ảnh một chú chuồn chuồn đậu ở viên đá, trông rất bình yên. Chú ta có lẽ là loại mà hồi bé đi dính chuồn chuồn hay được chúng tôi gọi là chuồn chuồn đá, do có thân màu ghi, dễ lẫn vào đá. Nếu chú đậu vào một phiến đá như trên thì sẽ rất khó phát hiện ra, trừ phi đến gần quá và chú bay vụt lên tránh nguy hiểm.


Tuy thế, tôi phát hiện ra chú này không quá khó do tính chất "thời trang" của chú. Mặc dù phần đầu thì đúng là màu đá, nhưng nửa dưới thân mình chú lại hồng rực xiêm y như sắp đi trẩy hội. Cho nên dù là đậu ở đá thì cũng nhận ra để chụp lại hình ảnh rất thanh bình nghỉ dưỡng của chú ta.

Anh bạn họa sỹ Bùi Quang Khiêm nói vài lần, giờ ngẫm ra càng thấy đúng. Chẳng họa sỹ nào có thể mang được hết vẻ đẹp thiên nhiên vào trong tranh. Tái hiện được đôi chút cùng với cảm xúc mang đến cho người xem tranh đã là tài lắm rồi.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Thị Ngọc Tú. (1974). Trong Rừng Dẻ Gai. Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

[2] Quan-Hoang Vuong. (2020). From children’s literature to sustainability science, and young scientists for a more sustainable Earth. Journal of Sustainability Education, 24(3), 1-12.

[3] Tô Hoài. (1964). Đảo Hoang. Nxb Kim Đồng.

[4] Đỗ Tất Lợi. (2015). Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam. Nxb Y Học.

[5] Quan-Hoang Vuong. (2022). A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism. Berlin, Germany: De Gruyter.

 

 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.