Thursday, August 4, 2022

Động Am Tiên - Tuyệt Tịnh Cốc

3.8.2022. Động Am Tiên, Hoa Lư, Ninh Bình. Tên gọi khác là Tuyệt Tịnh Cốc, có nghĩa là hơi hang núi vô cùng tĩnh lặng.

Theo ghi chép, từ khi dựng đô ở Hoa Lư, khu vực vắng vẻ biệt lập này được Vua Đinh khai thác đầu tiên vào việc tồn trữ binh lương và hành quyết kẻ tử tội; tiếp theo, Vua Lê Đại Hành dùng làm nơi nhốt tù binh Tống.

Thái Hậu Dương Vân Nga tu thiền ở núi này.

Sau khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long năm1010, nơi đây được dân chúng dọn dẹp tẩy uế, tu tạo, hương khói giải oan để xua đi âm khí nặng nề. Hang núi dần trở thành địa điểm lý tưởng cho những người tìm đến Phật pháp, tìm tới sự giải thoát và an nhiên, đúng lúc Phật giáo phát triển cực thịnh trong Triều Lý. Ngôi lều tranh thờ Phật trong hang này được gọi là Am Tiên (庵 仙). Cạnh đó, một chùa khác được dựng lên, nơi Thái hậu Dương Vân Nga xuất gia tu hành những năm tháng cuối đời. Hiện nay, trong động có các bàn thờ Phật, Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không và các danh nhân thời Đinh.

Ở sâu bên trong cốc có một nơi gọi là Giếng Giải Oan. Có lẽ nước ở đây chủ yếu do mạch nước chảy qua khe núi đá xuống, làm thành nơi sâu có nước giống như giếng.

Động Am Tiên cũng gắn liền với Thái hậu Dương Vân Nga, hoàng hậu của hai vị vua thời kỳ đầu lập quốc trong lịch sử Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Trong những năm cuối đời, bà đã xuất gia và tu hành tại chùa Am Tiên nằm phía bên phải động. Hiện tại, ngôi chùa vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích xưa như chuông chùa, ba bia đá cổ khắc ghi những công góp xây dựng chùa từ hàng trăm năm trước. Đứng từ chùa Am Tiên nhìn xuống, du khách sẽ chiêm ngưỡng được không gian mênh mông, rộng lớn của cảnh quan hùng vĩ động Am Tiên với thế núi cao sừng sững và hồ nước trong xanh trải dài, cảm nhận được không khí linh thiêng, hào hùng của ngày đầu khai quốc.

Theo lời kể của sư trụ trì: “Động Am Tiên có tên gọi đầy đủ là Chùa - Động Am Tiên, là nơi nhốt hổ báo trừng trị người có tội thời vua Đinh. Nhưng từ cuối thời Đinh, sang nhà Lê, đến thời Hậu Lê thì nơi đây không còn nhốt hổ báo, để trừng trị tử tù nữa. Khi đến thời Lý, trong một lần đi ngang động thấy âm khí quá nặng, thiền sư Minh Không đã ngày đêm tụng kinh thuyết pháp. Tiếng kệ kinh đã dần cảm hóa muông thú, đồng thời hóa giải vong hồn của các tội đồ. Cũng từ đó, nơi này trở nên thanh tịnh.”

Ngồi thưởng thức không khí trong lành của Tuyệt Tịnh Cốc, mới thấy chữ "tịnh" rất hợp nơi này. Có thể hình dung, nếu không có hai đường hầm xuyên qua núi để có thể đi vào trong cốc, thì muốn đến được chỗ này thật vô cùng gian nan, khó khăn.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.