Friday, September 9, 2022

Bữa sáng vờn mây

9.9.2022. Đôi ngày ngắm mây núi, hồ Hòa Bình, ở Ba Khan, không chỉ là phục hồi sức lực sau nhiều tháng ngày suy nghĩ, lao động. Khung cảnh thiên nhiên có thể đem đến những cảm giác thú vị. Điều này không có gì lạ. Nhiều người đã nói.

Đối với công việc, thiên nhiên là loại "thông tin" có thể mang tới những suy nghĩ bất chợt, có giá trị lâu dài, nằm trong hệ thức serendipity [1].

Tôi không phải đợi lâu. Sáng 8.9, trong lúc ăn sáng, tôi được chứng kiến và thỏa sức ngắm nhìn cảnh tượng mây vờn núi. Vào lúc 8:30, trời còn khá sáng, có gợn mây hồng, nhưng chỉ sau vài giây, mây bắt đầu tụ lại. Đầu tiên ở trên cao, rồi cảm giác xuống thấp dần, che kín mặt hồ Hòa Bình. Các hòn núi trong hồ và mặt nước hồ chợt biến mất trong đôi phút. Sau một lát, hình ảnh còn lưu lại là quả núi ở gần, cùng với các cây lớn là rõ nét. Toàn bộ khung cảnh hùng vĩ phía sau, chỉ còn lại một màn mây giăng kín. (H1.)

H1. Mây đang tụ về phía trên Hồ Hòa Bình. 08:30 sáng.

Vậy mà, chỉ 15 phút sau, bức ảnh đã đổi khác hoàn toàn. Mây tiếp tục trôi xuống len lỏi vào rừng cây, trắng đục, rồi đặc dần trông như ngả sang màu ghi. Tiếp đến, toàn bộ ngọn núi ở gần nhất, vẫn thấy rõ trong khung hình H1 đã bị bao bọc toàn bộ bởi mây. Nếu như chỉ nhìn H2, thì sẽ không ai có thể nhận ra ngay cả quả núi to lớn ở rất gần. Còn toàn bộ mặt hồ Hòa Bình và các núi to nhỏ trồi lên từ lòng hồ thì đã bị bao phủ từ lúc chụp ảnh H1 rồi.

H2. Mây đã vờn kín ngọn núi, chỉ còn thấy đôi cây lớn ở gần. 08:45 sáng.


Tới lúc 9:00, mây đã vờn vào tới tận bàn ăn sáng, nhìn rõ từng dòng mây chuyển động. Rõ ràng là ăn sáng trên mây, và trong mây. 

Tôi thấy khung cảnh này thật tuyệt vời. Trong một thoáng rất nhanh, liên tưởng tới quá trình mindsponge và những biến đổi về sự nhận thức, về hình ảnh, về giá trị. Ví dụ: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại ăn sáng trên và trong mây cùng lúc với quan sát mây chuyển động xung quanh mình. Ngay lúc đó, nó là sự thật 100%.

References

[1] Vuong QH. (2022). A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism. De Gruyter. https://books.google.com/books?id=2wdsEAAAQBAJ

[2] Vuong QH. (2022). Mindsponge Theory. https://books.google.com/books?id=OSiGEAAAQBAJ


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.