Thursday, December 1, 2022

Đi vào rừng

1.12.2022. Vào rừng là hướng về thiên nhiên. Hình ảnh chuyến đi của hai vợ chồng, 30.11.2022.

Trong rừng có nhiều cây thuốc và thực phẩm mà thị dân có thể quen tên, nhưng phải học cách thì mới nhớ được đặc điểm cây. Ví dụ sa nhân dưới đây, trông hơi giống nghệ.


Qua những đoạn đường rừng lối đi hẹp, cây dây leo chằng chịt. Xen lẫn cũng có những loại cây thuốc người dân tộc biết cách dùng.


Rừng nhiệt đới cũng có những chỗ đẹp hoang sơ, vẻ đẹp thuần tự nhiên. Chỗ này có tìm quanh, nhưng không thấy giảo cổ lam, mặc dù gần suối nước, khá ẩm và mát.


Sức sống thiên nhiên mãnh liệt. Một cây đu đủ mọc hoang từ kẽ đá, trên núi mùa khô.

Một gốc cây mơ khoảng 15 năm tuổi. Vùng núi Hòa Bình dường như rất hợp với các loại cây họ mai, mơ, mận, đào. Ngoài ra bưởi và cam mọc hoang cũng nhiều vô kể. Tuy nhiên, ngoài mùi thơm tinh dầu đặc trưng, thì quả các cây mọc hoang khá chua.


Nói về rừng núi phía Bắc, thì khó có thể bỏ qua các loại cây họ tre nứa. Đây là nguồn vật liệu xây dựng và măng làm thực phẩm rất quen thuộc.

Trong ảnh bên dưới là chị Chẫu khi đi qua đoạn rừng vầu. Vầu theo người địa phương cho măng năng suất và sản lượng cao nhất. Thời điểm cuối năm không còn măng, đã qua mùa. Các cây măng đã lớn vượt lên thành các thân cây vầu cao 4-6 mét. Mỗi đốt vầu rất dài, thân cũng lớn. Xen lẫn là các khoảng rừng bương, và giang. Bương nhỏ hơn vầu một chút, măng khi mới lớn có lớp phấn cây phủ ngoài, khiến cho cây mới lớn có màu gần như trắng. Lớp bột phấn này giữ khá lâu, có lẽ tới khi qua mưa nắng, và dần có màu xanh sẫm thường thấy.

Cà dại, rất đẹp nhưng không ăn được. Khác với một số loại cà mọc hoang trong rừng nhưng ăn được, vị đắng.

Hoa rừng nở rất đẹp. Không thấy có ong, nên không đoán được hoa có mật không.

Gặp tổ dế mèn trên núi, lại nhớ tới cụ Tô Hoài. Dế núi nghe nói là béo ngậy. Nếu gom được 50 con lớn thì làm món rang hay nướng là được bữa nhậu xôm cho hai người.

Người dân giới thiệu đây là cây thuốc chữa bệnh nước tiểu vàng ở trẻ em. Cây được lấy về đun nước uống giải nhiệt, như một loại trà. Người Mường có tên gọi cho cây này, nhưng tôi không nhớ.

Lên núi cũng có những khoảng cây lúp xúp như chỗ này. Thường là những đoạn đá tai mèo lởm chởm, chỉ có cây bụi mọc là chính. Chỗ gần suối hay mó nước thì mới nhiều cây dây leo.

Đi qua một cây dổi lớn, cao vài chục thước. Cây dổi ngày nay thường xuyên cho khai thác hạt dổi, một loại nguyên liệu pha chế thực phẩm rất đặc sắc, với hương vị đặc trưng. Gỗ dổi thì cũng không có quá nhiều, vì bây giờ trừ khi bị sâu, cây chết người dân mới đốn cây. Khai thác hạt hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Một đỉnh nơi hai vợ chồng ngồi nghỉ chân sau chặng đi dài, đúng trưa ngày 30.11.2022. Phía xa, trong lòng núi là một phần của nhánh Sông Đà đổ nước về đây.

Quyết tâm cùng đi vào rừng cũng hoàn thành cho ngày đặc biệt 30.11.2022.



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.