Saturday, July 15, 2023

Từ xơ bẹ lá cọ, móc của Tô Hoài tới quan niệm giá trị thiên nhiên

Ninh Bình 14-7-2023

Nhiều loài cây trong rừng có tên gọi rất quen thuộc, nhưng việc hình dung ra giá trị kinh tế không dễ lắm. Ngoại trừ việc có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng (ngày nay xem như thô sơ và có độ bền không cao), thì cũng có thể là thức ăn, hay chế ra đồ dùng. Ở đây, ta nói tới họ cây cọ, móc, đao... thường có gai, lá có tán. Những loài này không có thân gỗ cứng, mà lõi dạng xơ sợi khá xốp. Thường chỉ có bẹ và lá dùng để lợp mái, vách, v.v..

Ở trong cuốn tiểu thuyết Đảo Hoang của tác giả Tô Hoài, nhiều loại cây được miêu tả sinh động cả trong không gian thiên nhiên hoang dã, lẫn việc sử dụng trong đời sống [1]. Ví dụ, ông có nói tới vỏ cây sui đập giập lấy xơ để làm chăn đắp cho ấm. Hay bẹ lá dứa rừng, phơi khô cho róc hết lớp vỏ ngoài, còn lớp sợi dai bên trong bện lại làm vải. Ở trong bài báo gần đây, năm 2022, quá trình sản xuất chăn hay khăn từ gỗ cây sui được mô tả tương tự như tác giả Tô Hoài trong Đảo Hoang, nhưng kỹ hơn, kèm theo hình ảnh [2].

 

 
Hình 1. Chiếc chăn sui được lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần. Ảnh: Phạm Hà [2].

Cây cọ thì hiện lên như nguồn trữ nước ngọt trên đảo khi các mạch nước nổi cạn kiệt. Theo lời kể, cây cọ trữ nước trong bẹ, khi chặt sẽ có nước chảy ra từ bẹ để uống. Thực tế này khá giống với loài cây được thế giới biết đến hay gọi là “the traveler’s palm”, mặc dù theo phân loại khoa học thì loài cây này không thuộc họ nhà cọ. Còn công dụng lá cọ lợp mái, lớp vách thì gần như không bao giờ có thể thiếu vắng. Ở trong Đảo Hoang cũng như vậy.


 
Hình 2. Đồi cọ khoảng 12 tuổi trong Emeralda (Gia Viễn).

Trong thiên nhiên, cây cọ có hình dáng cũng khá độc đáo. Giữa một khu rừng già, cây cối đan xen dày đặc, những khóm cọ luôn rất dễ nhận biết nhờ hình dáng của quần thể và lá cây. Nhờ thế, vị trí của chúng cũng có cả tác dụng đánh dấu đường đi trong tự nhiên.

Điều hay là ở bẹ chỗ nách cành cọ (và cả cây móc) vươn ra, chỗ sát thân luôn có những lớp xơ bám quanh. Lớp xơ này khá chắc, và trông như một lớp vải đan, tuy thưa. Nhưng nếu hình dung có thể đẩy các sợi đan của thiên nhiên này sát lại gần nhau, tấm vải thiên nhiên này sẽ chắc chắn hơn nhiều. Đáng nói là hình dáng tự nhiên trong đã khá giống một miếng vải. Bây giờ, giả sử ta chồng 2 miếng lên nhau, sao cho các khoảng thưa bé lại, và móc liên kết 2 tấm lại, thì lớp vải đã dầy hơn, có khả năng bền chặt tốt hơn cũng như giữ ấm mùa đông vượt trội, hoàn toàn phù hợp nguyên tắc vật lý. Với 3 lớp, hay hơn nữa, một tấm chăn mùa đông đã thành hình.


Rõ ràng, những dòng thông tin về công dụng trong cuộc sống của những loài cây có sẵn trong tự nhiên như cọ, móc, hay tre, nứa, và cả sui (nhựa khá độc) đều có thể đi qua bộ lọc giàu tính phân tích để làm nên hiểu biết của độc giả, và đặc biệt là giá trị xã hội-nhân văn của thiên nhiên, môi sinh đối với con người, với tư cách là một loài cư trú trong, và nương nhờ vào, thiên nhiên. Bên cạnh vấn đề sinh tồn và những nhận biết qua dấu hiệu thông tin từ môi trường, khả năng sử dụng và hình thành giá trị văn hóa ngay từ những giá trị thiên nhiên vốn quen thuộc với cả muông thú, cũng vẫn có khả năng làm cho đời sống con người trở nên “người” hơn. Quan niệm về giá trị thiên nhiên không thể nào tách rời khỏi lượng thông tin liên quan tới chính sự tồn tại của thiên nhiên cũng như con người.

Có lẽ chính vì thế mà đã có nhiều thế hệ độc giả từng say mê đọc Đảo Hoang của Tô Hoài. Cũng có lẽ chính vì thế mà hôm nay rất nhiều băn khoăn về cách thức có thể truyền tải những thông điệp thiên nhiên-môi sinh như là giá trị sinh tồn (đồng thời là giá trị nhân văn) tới những thế hệ tương lai đang chịu tải thông tin quá đỗi nặng nề.

References

[1] Tô Hoài. (1964). Đảo Hoang. Nxb Kim Đồng.

[2] Sâm, T. T. (2022). Chiếc chăn sui nghĩa tình. http://sknc.qdnd.vn/ky-niem-sau-sac/chiec-chan-sui-nghia-tinh-502651

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.