Saturday, March 2, 2024

Đạo và thuật của Trương Nghi lập kỳ mưu đầu tiên, thao túng quân chủ Việt Vô Cương

*Bài này bàn về thủ pháp dẫn dắt, đầy ắp thông tin, của Hàn Xuyên Tử trong sự kiện Trương Nghi bẻ ghi đại quân của Vô Cương, dưới lăng kính mindsponge theory.

Bộ thiểu thuyết Chiến quốc tung hoành: Thế cục Quỷ Cốc Tử [1] (xem hình minh họa) được tác giả Hàn Xuyên Tử thiết kế và triển khai hết sức công phu, với hệ thống nhân vật-sự kiện đan xen tài tình, và quan trọng là hợp lý (kể cả độc giả có biết là hư cấu thì yêu cầu tính hợp lý không vì thế mà giảm đi). Bài này chỉ lựa chọn một đoạn ngắn trong việc lập kế sách của Trương Nghi để xoay chuyển cục diện Việt vương Vô Cương từ chỗ bao vây Tề mà chuyển toàn bộ 21 vạn đại quân sang tấn công nước Sở bằng đường thủy.


Hình: Minh họa bìa cuốn Thế cục Quỷ Cốc Tử của Hàn Xuyên Tử [1].

Sau khi xuống núi, Trương Nghi bước đầu lựa chọn Sở, lúc đó đang thuộc triều đại của Hùng Thương, làm chiến địa để lập thân. Để có được một thế đứng xứng đáng với đại danh môn sinh của Quỷ Cốc Tử, trí thông minh và tài nghệ của Trương Nghi được đầu tư cho kỳ mưu. Nguyên lý Quỷ Cốc tiên sinh đã chỉ cho: Mưu cốt ở “kỳ”. Dụng mưu tất phải âm hiểm.

Tình tiết hay thì rất nhiều, nhưng nói đại lược thì ông đi vào hang hùm, tức là tới gặp Vô Cương, vua nước Việt, kế nghiệp sau Câu Tiễn nhiều đời. Không có thân thế, không có tài sản, không có dẫn tiến, cũng không có cả sở trường có thể tiếp cận Vô Cương, một kiếm sĩ tài ba, Trương Nghi chỉ được Quỷ Cốc Tiên sinh trang bị cho năng lực tư duy phi phàm, khí chất bất phàm, và tài nghệ kéo-đẩy thông tin vượt qua từng nấc nghi ngại, ngờ vực, để tiếp cận với suy nghĩ và xâm nhập vào niềm tin của quân chủ Vô Cương. Những yếu tố và quá trình động xây dựng hệ giá trị tương thích (mặc dù là giả tạo, bản chất là nửa thực nửa hư để đánh lừa), và đẩy tới chỗ hệ giá trị của Vô Cương rộng mở đón chào một hệ mới lạ (rất rủi ro, khó xác nhận tính chân thực), tương tự dáng điệu của quá trình endosymbiosis mà lý thuyết mindsponge đề xuất cho quá trình thay đổi nhận thức, đặc biệt về giá trị xã hội (cụ thể ở đây là tương tác con người qua ứng dụng thuật quyền mưu).

Lượt đầu, lợi dụng đặc điểm Vô Cương là một quân chủ hùng mạnh, nhưng si kiếm, coi kiếm thuật là lẽ sống, Trương Nghi đã hư trương thanh thế để tự giới thiệu bản thân là Đệ nhất kiếm sĩ Trung Nguyên. Đây là một thông tin kích thích trí tò mò và quan tâm của Vô Cương, khiến cho ông ta muốn tiếp. Bước một là có thể tiếp cận, vì quân vương không bao giờ đoái hoài tới đám vô danh, phàm phu tục tử. Ở bước một, Trương Nghi đã mượn thuật (danh xưng kiếm pháp) để thi triển đạo, cho thấy một lối tiếp cận cảnh giới khác, mà người chăm chú vào thuật như Vô Cương vô tình đã bị cận thị.

Tuy vậy, đồng ý gặp không có nghĩa là có niềm tin. Thực ra là đầy nghi hoặc, cho tới khi xuất hiện những thông tin qua trao đổi đẩy từ trạng thái cơ bản coi là nói khoác tới chỗ có vài phần đúng, đáng nghe, và quan trọng nhất là: Để biết rõ thì phải tiếp tục cuộc chơi. Cái hay là tuy không sở hữu kiếm báu, hay kiếm thuật tinh thông, Trương Nghi sở hữu cỗ máy xử lý thông tin (CPU trên cổ) và chủ động quyền phát động dòng chảy, hướng chảy, liều lượng, hoàn toàn theo chủ kiến của mình.

Bước tiếp theo, Trương Nghi xác lập được một phần niềm tin trong suy nghĩ của Vô Cương rằng ông là Đệ nhất kiếm sĩ và những thông tin củng cố, bao gồm cả chấp nhận phải vong mạng khi thi đấu với Vô Cương, ngay tại lâu đài của vị quân chủ với một dàn vệ sĩ, thủ hạ luôn sẵn sàng hạ độc thủ. Và ông lại được cái hẹn so kiếm, trong khi đến kiếm còn không có. Và tới ngày hẹn, ông đến nơi quyết đấu tay không.

Chuyện khi quân vong mạng là thường. Làm thế nào để Trương Nghi, một kẻ yếu thế, không kiếm thuật, không kiếm, lừa dối Vô Cương tới 2 lần liên tiếp có thể thoát khỏi án tử coi như đã định sẵn cho một kế hoạch gần như hoang đường?

Aha, ông thoát hiểm chính nhờ sự hoang đường được đẩy tới tột đỉnh. Ngạn ngữ cổ gọi điều này là: Lộng giả thành chân.

Tay không chính là một thanh kiếm, theo nghĩa nó buộc ông phải sáng tạo trong việc kéo đẩy các thông tin xung quanh chuyện cây kiếm--mà trong tay ông không có. Mấy mệnh đề cơ bản được kết nối lại như sau:

1) Ông không cần kiếm vì quân chủ si kiếm như Vô Cương, sẽ có sẵn kiếm báu tại nơi quyết đấu.

2) Đệ nhất kiếm sĩ Trung Nguyên không dùng kiếm của đám phàm phu tục tử, mà phải là kiếm báu.

3) Vô Cương với sự tôn vinh kiếm thuật cực điểm sẽ cho phép Trương Nghi mượn kiếm để có thể được sát phạt.

Cả ba điều này đều đúng, và Vô Cương đã cho Trương Nghi chọn kiếm báu để quyết đấu. Lộng giả thành chân ở chỗ, 3 lần chọn kiếm, kể cả tới thanh quý báu nhất chính là kiếm của Câu Tiễn, Trương Nghi cũng lắc đầu coi là “dưới chuẩn”. Đây chính là đặt vào cửa tử để ra cửa sinh. Vô Cương gần như bị thử thách hệ thần kinh tới mức đã gần chạm tay vào công tắc “trảm”. Nhưng sự tò mò với khí chất bất phàm, biết chết mà không sợ chết của Trương Nghi đã cản việc ấn nút. Và chỉ một câu hỏi nói lên trí tò mò (bất kể đang cáu giận) cũng đủ để Trương Nghi thi triển hệ thống phát động thông tin.

Ông đã mượn tích tắc tò mò này để chuyển từ đấu kiếm sang luận kiếm.

Hệ giá trị-niềm tin của Vô Cương với kiếm thuật thượng thừa đã nuốt chửng khái niệm luận kiếm của Trương Nghi, tới mức buông kiếm để nghe xem “thiên kiếm” định thiên hạ thế nào.

Không khó để Trương Nghi bẻ ghi khái niệm “kiếm” thành một thế cục nhân tạo, sắp đặt lại chủ quyền lãnh thổ. Khi này nước Việt là chuôi kiếm, lưỡi của nó sẽ phải vung ở nơi tất định. Quân vương hiểu chuyện này là gì, nếu ý chí đó đã từng được cài đặt dù chỉ một lần.

Khi hiểm họa qua đi, cuộc đấu được chính Vô Cương hoán chuyển thành cuộc rượu luận kiếm thiên hạ, thì Trương Nghi chính là chủ nhà ngay trong lâu đài của Vô Cương. Việc xoay lưỡi gươm từ Tề sang Sở đã hoàn thành, chỉ còn mỗi việc tra cán vào lưỡi: Ý chí đội trời đạp đất này là của Vô Cương. Khi này Trương Nghi đã trao quỷ kế cho Vô Cương và, đương nhiên, off the hook!

Hệ thống cost-benefit, theo quan điểm mindsponge theory, ở trong sự kiện này thật khủng khiếp: tính mạng và quyền điều khiển ý chí quân vương.

Một chi tiết đáng nói, khi thê tử lo lắng tới phát khóc lúc chia tay Trương Nghi tới nơi quyết đấu (vì ai cũng biết chỉ một đường kiếm là họ Trương mất mạng dưới tay Vô Cương), Nghi đã làm động tác trấn an là thè lưỡi ra đáp: Còn cái này không ai có thể lấy mạng được.

Lưỡi của Nghi chẳng phảii là lưỡi gươm báu trong trận thu-phát-xử lý thông tin tuyệt kỹ hay sao?!

Nó đã tiêu diệt toàn bộ đại quân và triều thần của Vô Cương ở đất Sở mà trước khi chết chính Vô Cương cũng phải tâm phục khẩu phục.

References

[1] Hàn Xuyên Tử. (2018). Chiến quốc tung hoành: Thế cục Quỷ Cốc Tử. Nxb Văn hóa.

[2] Vuong, Q. H. (2023). Mindsponge theory. Walter de Gruyter GmbH. 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.