Sunday, January 19, 2025

Chim Văn Hóa

Chẫu Chàng

Xóm Chim ngày càng nhiều sinh hoạt văn hóa sâu sắc. Tới một ngày, Bói Cá nghĩ Xóm Chim cần phải tìm ra được nhân vật có dấu ấn văn hóa sâu. Nhân vật này giúp Xóm Chim được tôn kính. Như thế, những kẻ quấy phá về sau sẽ đỡ gây hại cho Xóm Chim. Bói Cá vận động lập ra Hội đồng Bình xét Dấu ấn văn hóa của Xóm Chim. Nhất định thu gom bằng chứng, đánh giá để Xóm có được một Họ nhà chim có dấu ấn văn hóa tiêu biểu.

Tuy vậy, giai thoại về chim thì nhiều, nhưng mà sử sách ghi lại thì hiếm quá. Tìm mãi không ra một vết tích văn hóa nào sâu sắc, có ghi chép của người đời. Mọi việc bế tắc, tưởng như sẽ rơi vào quên lãng.

Bỗng một hôm Cò vội vã tới báo cáo vừa tìm được tư liệu cổ.

Bói Cá hỏi: – Họ nhà nào?

Cò: – Bìm Bịp (Coucal).

Bói Cá tỏ ý nghi ngờ: – Cái tay mắt đỏ đọc, gườm gườm, mà nghe nói hay bắt rắn về nhậu ấy hả? Sao lại văn hóa được?

Cò: – Đúng gã đó. Sử sách ghi hắn có dòng dõi tu hành. Thậm chí đã gặp cả Phật Tổ rồi đấy.

Bói Cá sửng sốt: – Đâu văn bản ghi chép đâu?

Cò liền chìa ra một tập sách cũ, nhưng đọc vẫn rõ. Cả hai cùng kiểm tra thấy đúng là hàng xịn, nguyên bản. Mở mục lục ra dò tìm, thì thấy có một văn bản ghi: “Sự tích chim Bìm Bịp”.


Không còn nghi ngờ gì nữa, Bói Cá và Cò cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để biểu dương một dòng họ chim có dấu ấn văn hóa của Xóm. Bói Cá yêu cầu niêm phong tài liệu quý, triệu tập Hội đồng để thông qua danh hiệu Dấu ấn văn hóa cho họ nhà Bìm Bịp. Rất mau chóng, các thành viên Hội đồng đang chơi rông dài liền tụ họp. Tất cả đều thấy tài liệu nguyên bản, giá trị, đáng tin để làm căn cứ bình bầu. Bây giờ họp Hội đồng chỉ là vấn đề thủ tục, hoàn thành cho đủ.

Để đảm bảo thủ tục minh bạch, Bói Cá bảo: – Bồ Câu, mày mở ra đọc cho cả Hội đồng nghe nội dung tài liệu.

Bồ Câu chấp hành yêu cầu, và đọc to lên thành tiếng:

“Sự tích chim bìm bịp”

Ngày xưa, có một nhà sư ăn chay, niệm Phật nơi cửa chùa đã lâu mà vẫn chưa thành chính quả. Nhà sư bèn quyết chí khăn gói ra đi để hỏi Phật xem tại sao lại như vậy. Nhà sư đi rất lâu. Một hôm, nhà sư gặp một tên cướp đang cầm trong tay một thanh đao to, trong bụng hơi lo, nhưng nghĩ mình là người tu hành, “Tứ đại giai không”, nên vẫn bình tĩnh bước đi.

Bỗng tên cướp quì xuống nói : “Thưa thầy, xin thầy thu nhận con làm đệ tử và cứu con. Hai bàn tay con đầy tội lỗi. Con muốn sám hối, không biết còn tu hành được nữa không?”

Nhà sư liền an ủi: “Con người ta tu cốt ở con tim chân thực. Nếu thực lòng hối cải thì tất là đấng thiêng liêng sẽ biết tới. Ta không thu nhận con làm đệ tử được vì ta đang trên đường đi gặp Phật Tổ”.

Tên cướp: “Thầy gặp Phật Tổ xin cho gửi trái tim chân thực của con cho Người”.

Không ngờ vừa nói xong, tên cướp liền phanh ngực lấy dao moi tim mình đưa cho nhà sư, nhờ chuyển tới Phật. Nhà sư đọc kinh siêu thoát cho tên cướp, rồi lại khăn gói lên đường, mang theo quả tim của người vừa chết.

Ngày thứ nhất quả tim của người xấu số bắt đầu nặng mùi, nhà sư vẫn cứ gói kỹ lại mang đi. Ngày thứ hai, quả tim sinh giòi bọ, nhà sư vẫn kiên nhẫn mang đi. Đến ngày thứ ba thì mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bay theo đen kịt.

Không thể chịu được nữa, nhà sư bèn nghĩ : “Tên cướp này thì tu cái gì được. Thôi ta quẳng nó vào bụi cây cạnh đường cho rồi”.

Thế là nhà sư quăng nó xuống chân cầu, dưới dòng nước đang chảy, trái tim vẫn nổi và đập trên mặt nước phát ra âm thanh bìm bịp, bìm bịp, bìm bịp... như quả tim đập.

Nhà sư tiếp tục đi và đến được đất Phật, gặp Phật Tổ. Sau khi tán thán công đức tu tập của nhà sư, Phật Tổ hỏi: “Thế trên đường con đến đây có ai gửi gì cho ta không?”

Nhà sư ngẫm nghĩ một hồi nhớ ra tên cướp gửi trái tim, bèn thưa: “Thưa Đức Phật có một tên cướp gửi trái tim của người nhờ con dâng lên Phật. Nhưng con nghĩ nó hôi thối quá làm sao dâng lên Phật được ạ!”

Đức Phật nói: “Mặc dù con có nhiều công đức, nhưng chưa đủ căn nguyên. Nay con tìm lại trái tim đó mang đến gặp ta, tức thì con thành chánh quả”.

Lúc này nhà sư mới tỉnh ngộ, bèn quay lại tìm quả tim mình đã vứt đi. Loanh quanh tìm hết từ bụi này sang bụi khác và ngày này qua ngày kia mà chẳng thấy quả tim đâu. Cứ thế một ngày nọ nhà sư chết ở bụi rậm và biến thành chim bìm bịp. Màu lông của chim nửa nâu nửa đen giống như chiếc áo của nhà sư (Kasaya) ngày xưa. Giống chim này kêu tiếng bíp bịp bịp... như tiếng đập của quả tim.


Sau khi nghe Bồ Câu đọc xong, cả Hội đồng ngơ ngác nhìn nhau, im lặng. Mãi rồi, Chim Sẻ đánh bạo nói khe khẽ, nhưng đủ cho tất cả Hội đồng nghe rõ:

– Vậy với bằng chứng xác thực, các tình tiết đầy đủ, danh hiệu Chim Dấu ấn Văn hóa vẫn sẽ thuộc về Bìm Bịp.

Nghe tới đây, Bói Cá thấy kết cục rất không ưng ý nhưng không thể đảo ngược được, bèn quát:

– Phải. Nhưng ghi thêm: “Đã bị kỷ luật”.

Cò lại thêm câu lấy lòng Bói Cá:

– Ghi bổ sung: “Có lịch sử xả thải bừa bãi”.

References

[1] Chi, N. Đ. (1973). Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. NXB Khoa hoc xã hội. https://cir.nii.ac.jp/crid/1130282271327744896

[2] Vuong, Q. H. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6

 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.