Sunday, January 1, 2023

Bà ngoại, ông bác và tuổi thơ: Chuyện ngày đầu năm nhân một bức ảnh cũ

HN, 1-1-2023

Ngày đầu tiên năm mới 2023 có lẽ hợp với việc suy ngẫm chuyện cũ, lại chuyện rất quan trọng với sự sinh tồn bản thân. Duyên cớ là tôi tình cờ có lại được một bức ảnh.

Việc có được một tấm ảnh cũ, cách đây gần nửa thế kỷ là điều kỳ diệu. 50 năm sẽ rất nhiều thay đổi. Đồ đạc lớn còn cũ hỏng, thì giữ được tấm ảnh in giấy khó biết chừng nào. Chưa kể thời đó rất nghèo, đâu phải dễ có điều kiện chụp ảnh.

Ấy vậy, mà tôi lại có lại được bức ảnh đen trắng, ngay đã gần 50 năm tuổi.

¤

Trong hình là bà ngoại tôi, hay gọi là bà Biên. Gọi quen tới mức còn chẳng để ý tên thật bà là gì. Tên đúng là Huỳnh Thị Xá. Biên là tên bác tôi (Trương Biên). Người thời trước hay gọi mẹ bằng tên con trai trưởng. Hầu hết ký ức hay ho tuổi thơ của tôi gắn với bà Biên. Đó là vì bà nuôi nấng tôi tới lúc lớn, từ khi vài tháng tuổi tại Trà Cổ, Móng Cái. Sau đó, khi về Hà Nội, thì cũng thường xuyên ở với bà.

Bà Biên, tôi (cầm bóng nhựa) và em họ (bà bế)

Nơi bà tôi ở sau khi rời Móng Cái về Hà Nội là khu ký túc phía đuôi Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ở chỗ khu tập thể trên đường Trần Phú rất chật chội, hầu như không có thiên nhiên. Do đó được về chỗ bà là thiên đường. Dù thường xuyên mất điện, đó vẫn là thiên đường. Tất cả những thiếu thốn cuối những năm 1970 mà người lớn lấy làm đau khổ, thì với đám trẻ, chả nhằm nhò gì. Thiên nhiên xung quanh sẽ bù đắp hết. Nói thật ra có điện thì trong nhà cũng chỉ bật đúng 1 bóng đèn vàng. Có một chiếc đài Rigonda của Liên Xô và một cái quạt cóc nữa, nhưng mà nếu không có ông bác ở nhà thì chiếc đài không có ai sử dụng. Đài là nơi chuột làm tổ. Còn quạt thì mùa hè làm sao sánh được gió ở ao?

Thiên nhiên nơi đó thời đó là ký ức rất sâu đậm. Khu cư dân đó rất nghèo nàn thô sơ, nhưng tràn ngập thứ để chơi, thỏa sức tò mò, đặt ra vô số câu hỏi. Khung cảnh trong ảnh giúp tái hiện thiên nhiên, khá giống những gì tôi còn giữ trong đầu. Bước qua khỏi thềm nhà là đường đi bắt đất. Thỉnh thoảng, sau cơn mưa to đêm mùa hè, ngủ dậy bước ra thấy có một vài chú cá rô rạch nước, nằm thở ở đường đi cũng chẳng có gì lạ.

Tối đến các loại tiếng côn trùng, nhất là tiếng dế, rền rĩ khắp nơi. Cũng là lúc có vài trò hay để chơi. Bắt dế đêm cũng hay. Thường chúng bay loạn xạ tới chỗ có đèn, cùng với cà cuống, cào cào, niềng niễng. Nếu khéo, có đêm vồ được đôi ba dế cụ. Thường dế bay vào chỗ có đèn là dế cụ; bọn đó mới có cánh mà bay. Chập tối đầu hè thì không thể thiếu món bắt ve về thả màn tuyn. Đi với đội chơi lớn hơn thì có đêm đi soi ếch. Mấy chỗ mé bờ ao hoặc ruộng xâm xấp nước có những đợt ếch nhái ra đông vui.

Nói thế không có nghĩa là ban ngày thiếu trò đâu nhé. Ban ngày đi đào dế ở hang, rồi về làm trận cho chiến. Trò đó ngốn nguyên cả ngày cũng là thường. Câu cá, tát cá chỗ ao cạn, hoặc chỗ ruộng có nước mưa tràn vào, cũng là trò tiêu tốn rất nhiều thời gian. Trò hay ở chỗ, nếu được con nào sộp hay mớ cá khá khẩm, lại đi tự nhóm bếp dã chiến, rồi nấu kiểu trẻ con ma  lẻn ăn với nhau. Có hôm được con lươn nhưng không mang về báo cáo, tự loay hoay chế biến. Tanh ngóe, nhưng mà cái thời thiếu đạm chỉ đun qua qua tí muối mà thằng nào ăn cũng tấm tắc khen ngon ngọt. (Bây giờ nghĩ tới bỗng dưng cũng chảy nước bọt.)

Phía sau đám cây um tùm trong ảnh là chuồng lợn, một mảnh đất rau muống, rau lang, vạt mía, dọc mùng... cả những đám cây láo nháo không biết tên. Nhưng sau đó nữa là bờ tường, rồi đến bờ ao. Cái ao to của hợp tác xã nông nghiệp, và đó cũng là một thế giới sinh động. Cái ao không rõ vì sao lại tồn tại, vì xung quanh toàn ruộng lúa là chính. Xen kẽ lâu lâu mới một ít thửa rau mầu. Ao nhiều nước, tôi chẳng bao giờ thấy nó cạn cả. Ruộng lúa thì còn nhiều lúc cạn, trơ cả gốc rạ. Đối tượng chủ yếu được quan tâm sâu sắc ở ao là cá loại lớn (trắm, chép, mè, trôi). Tuy vậy, quanh đó cũng có khá lươn, chạch. Ở quanh ao bọn cư dân này được coi là béo tốt. Thỉnh thoảng lại lấy có tiếng hú sung sướng, kiểu như: “Chúng mày ơi, anh Lượng tóm được cá chuối gộc”.

Hầu như tất cả đám trẻ đều học bơi ở ao. Chủ yếu là bơi chó, tức là không theo kỹ thuật bài bản gì cả (thì có ai học bài bản đâu mà dậy bài bản chứ). Cứ nguyên quần đùi, lao tùm xuống. Cốt làm sao không chìm, và cái đầu nghển lên hít thở được. Cứ thế mãi, thành thói quen bơi chó.

Thỉnh thoảng ở giữa ao, hay một mé xa, lại có cắm sâu xuống bùn một cây tre, ngọn vươn cao, vài cành không dài lắm chìa ra. Tôi để ý cây ở giữa ao hầu như bao giờ cũng có một gã bói cá đậu. Đậu rất lâu, kiên trì, gần như bất động. Đúng như trong Dế Mèn Phiêu Lưu Ký tả, gã này thường sặc sỡ diêm dúa. Nhìn là biết ngay, không lẫn vào với loài chim khác nào được.

¤

Không phải vụ bơi lội nào cũng suôn sẻ. Phải cảnh giác vào lúc bà cho vịt đi “du lịch ẩm thực”.

Bà tôi thỉnh thoảng lại dẫn đàn vịt đi ăn quanh các ruộng lúc có nước xâm xấp. Cũng có lúc trước khi đi ra thì dẫn cho chúng nó bơi ở ao một lát.

Nếu phát hiện tôi đang nghịch nước (không phép) là bà quát um, sợ sơ ý xuống nước chuột rút hay sao đó. Nếu bố láo không nghe lời, là dứ dứ cái cành tre dài, ý là: “Lát nữa về, tao quật cho toi đời.” Nhưng thực ra, theo trí nhớ là tôi chưa bao giờ bị bà quật cả. Phần tôi, hễ trông thấy cái cây tre là vâng dạ rối rít rồi. Nhưng vâng xong thì cũng chỉ được dăm phút, đàn vịt đi ra xa xa chút là lại lao tùm xuống nước. Nhưng cảnh giác thì nhờ mấy thằng chơi cùng cảnh giới giúp. Hễ thấy xa xa có bóng bà quay về, là phải báo để lội vào, hoặc chạy về cuối vườn, vờ như đang lúi húi gì đó. 

Nếu không chăn vịt hay đi chợ, thì bà tôi hay ở quanh vườn, chuồng lợn hoặc trong bếp. Có góc bếp ở hiên và một cái bếp tí hon trong nhà. Gọi là bếp cho oai, chứ không có gì giống như các gian bếp gia đình hiện nay. Nó chỉ là góc có đặt một chiếc bếp điện dây may xo, có dây cắm loằng ngoằng lên cái ổ điện sứ Hai Con Sáu. Chỗ bếp có thêm một chiếc chạn, đựng mắm muối, ít mỡ lợn, tóp mỡ, quả chanh. Một ít bát đũa, đĩa, nồi nhôm. Tôi nhớ là cái nồi nào cũng bị móp méo, thỉnh thoảng rụng tai nồi. Bà có khi phân công tôi ngồi chờ hàn tai nồi nhôm, khi có người mang bếp hàn nồi xoong đi qua. Cũng nhờ thế mà sớm biệt nhiệt độ nóng chảy của nhôm khá thấp.

Hay đun nhất là bếp ngoài hiên, có cả bếp củi cả bếp dầu tây.

Hình phạt đáng sợ nhất của bà tôi là: “Ở trong nhà!”

Nói thật là gọi là nhà, chứ “bùng” ra thì quá dễ. Nhà thực ra chỉ là cái nền đất, có hàng gạch móng xây bao quanh. Thế rồi các nhà nào được phân thì dựng khung tre nứa lên. Lấy đất trộn rơm đắp làm tường. Các sợi rơm vẫn trồi lên, đôi khi tôi xoa ít nước bọt vào là moi ra được một ít rơm để nghịch. Cửa nhà chỉ là khung tre, gắn các tấm liếp lên. Cũng có khóa, nhưng cũng chả để làm gì. Trong nhà đâu có của cải gì mà phải khóa.

Ngay trong nhà cũng vẫn có thiên nhiên. Cóc nhảy vào là bình thường. Có lúc đến tối còn có dế hay cà cuống bay vào trong nhà. Chuồn chuồn, cánh cam đi lạc là chuyện cơm bữa.

Tôi để ý thấy lúc bà vui vẻ nhất thường là đi chợ về, hay trò chuyện lao xao gì đó, thế rồi mang vào bếp một mớ tôm cá, to bé loạn xạ cả. Rồi đun đun nấu nấu, xong bảo: – Có ăn bốc không?

Đương nhiên là có rồi. Tuy không phải háu ăn lắm, nhưng lúc bà đun nấu, mùi thơm cũng gây ức chế lắm. Tính sẵn sàng tăng lên rất cao. Lúc tôi ăn bốc, bà hay ngồi nhìn, mắt nheo nheo như cười, nhưng không hẳn ra là cười. Dường như là thể hiện vui một cách lặng lẽ, hiền lành thì đúng hơn. Bà tôi rất hiền lành và ít nói. Các cậu và cả mẹ tôi cũng đều như vậy, hiền lành và rất ít nói.

Lúc chăm vườn, hay chăm lợn, thỉnh thoảng bà sai vặt, kiểu như xem mấy chỗ rau lá bị sâu ăn có sâu thì bắt. Hoặc bê ít lá khoai nước cắt ở ngoài rìa ao vào vườn. Sang trọng hơn thì được sai đi hái rau mồng tơi, rau muống. Những lúc như thế, mới nghe bà nói thêm vài câu như là con lợn này bao lâu nữa thì xuất chuồng được, hoặc năm nay định đổi sang trồng mía tím vì nghe nói ngọt mềm hơn... Bà tôi tuy ra Bắc tập kết và làm việc từ sớm, nhưng giọng nói vẫn cơ bản giữ tiếng Quảng. Tôi lớn lên với bà từ nhỏ, nên nghe quen. Nhưng ông bác tôi thì hầu như không còn âm điệu tiếng Quảng nữa, chắc là do đi học ở miền Bắc từ sớm, rồi sau đó tiếp tục nước ngoài học và nghiên cứu lâu dài. Nói chung, những điều bà tôi nói đều rất đơn giản, chỉ xoay quanh sinh hoạt, cùng lắm một hai chuyện hàng xóm kiểu như mướp nhà ông Trung bị ong thui, hoặc gà ở cuối dẫy bị cúm, chắc phải che chắn chuồng cho đỡ gió. Chỉ vậy thôi, hết sức hiền lành, chân chất.

Lúc vui tôi thấy bà tôi nghe cải lương ở radio nhỏ. Đôi lúc lẩm nhẩm ca theo.

Có lẽ vì bà rất hiền, cho nên tôi cũng tranh thủ nghịch ngợm. Có khi thì ngồi xem trứng bọ ngựa nở, rồi các kỵ binh này theo dây tơ tụt từ vỏ trứng xuống. Lúc khác thì trèo đuổi nhện to ôm trứng bọc, vì nghe đồn nướng nhện to ôm trứng ăn, sẽ chống được đái dầm. Một lần nữa phạm tội tầy đình, là lẻn trèo qua tường rào khu ký túc vào trong sân, rồi cùng mấy thằng nghịch xà kép. Cái hay là lúc đó sáng mùa hè, vắng tanh chẳng có ai. Tôi tình cờ nghe tiếng kêu chít chít... nên sục sạo, cuối cùng thì tìm ra được cả một đám dơi đen ngòm ngủ trong ống xà kép. Thế là hò nhau chọc để bắt. Cũng bắt được vài con, nhưng lúc thò tay vào nghịch, tôi bị cắn mấy nhát, vừa đau vừa chảy máu.

Mấy thằng nó dọa: – Dơi cắn là phải vào trạm xá tiêm uốn ván, nếu không sẽ sốt co giật, sau này bị điên.

Nghe hoảng quá, tôi nài nỉ mãi một đứa bạn thân, tên là Tuấn, về nhà nó nhờ mẹ nó rửa tay nước muối. Cốt tránh không để cho bà biết. Xong xuôi, nó chạy ào ra chỗ bà tôi, cách chỉ đôi chục mét nó khoe: – Bà Biên ơi, thằng Hoàng nó nghịch xà, bị dơi cắn. Mẹ cháu rửa nước muối rồi.

Giấu sao nổi nữa. Thôi đành về khai thật cho xong. Ấy thế mà, bà tôi chả nói gì, bảo chìa tay cho xem, xong bảo: – Không sao đâu. Đừng để ngã trên xà.

Bà tôi hiền lành, chân chất, rất chăm chỉ và ít nói. Nhưng ai cũng biết bà tôi nuôi dậy những người con trưởng thành. Trong ba người con bà nuôi một mình, do ông ngoại tôi mất rất sớm từ cuối thập niên 1940, thì người sớm chấm dứt sự nghiệp học tập chính là mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi cũng là một trong những nữ kỹ sư vô tuyến điện tử đầu tiên của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Còn hai người con trai thì đều học tiến sỹ ở Đông Âu, là thế hệ khoa học đầu đàn giữa thời kỳ chiến tranh.

Bà tôi hay thích nhắc tới ông bác, ông mà bà lấy tên gọi theo; còn tôi thì hay gọi là “cậu Biên”, theo lối gọi của vùng Quảng.

Mặc dù hay về sống với bà, và luôn muốn như vậy mỗi khi có dịp, nhưng tôi hầu như không gặp ông. Tôi cũng không hỏi, nhưng riêng về ông bác, bà tôi hay đôi lúc tự nói.

– Đừng bới chỗ sách kia. Sách của cậu Biên đấy.

– Xe đạp của cậu Biên sắm đấy.

– Đài cậu Biên mang từ Liên Xô về đấy.

Đại khái là ruộng vườn của thiên nhiên, chuồng lợn chuồng gà của bà, và tinh thần bao trùm căn nhà đơn sơ là của “cậu Biên”.

Quả thật không chỉ đơn giản vì tập tục mà bà tôi gọi là “bà Biên”. Tôi nghĩ bà rất vui khi được gọi như thế. Ông bác tôi cũng là người hiền lành, ít nói. Do đó những gì lúc trước biết được là do nghe mỗi người nói một vài câu về ông. Điều chắc chắn nhất tôi biết được từ rất lâu từ khi còn rất nhỏ là ông là một trong số rất ít những nhà khoa học vật lý hạt đầu tiên của Việt Nam.

Mỗi khi tôi hỏi bà tôi “cậu Biên ở đâu”, thì câu trả lời thường trực là: – Đi làm khoa học ở nước ngoài.

Nghiên cứu vật lý hạt nhân thực nghiệm cần các phòng thí nghiệm, trung tâm tính toán hiệu năng cao, dữ liệu lò phản ứng hạt nhân... Những điều kiện này chỉ có ở Liên Xô, Tiệp Khắc, Bun-ga-ri. Ông bác tôi thường ở Dubna, một địa danh không ai trong ngành không biết.

Tôi chỉ biết từ lâu rằng, ngoài vật lý hạt nhân là chuyên ngành nghiên cứu rất sâu, ông bác đã tự học thành thạo 3 thứ tiếng Nga, Anh, Pháp từ khi bắt đầu học đại học. Đó là đầu những năm 1960. Chỉ nói riêng việc này thôi, ngày nay các gia đình phải tốn phí rất nhiều để trẻ em có thể có chút vốn liếng tiếng Anh.

Hình ảnh dưới đây là bài báo xuất bản từ 1969, bằng tiếng Anh trên một tạp chí rất nổi tiếng của ngành vật lý Physics Letters B. Không khó để nhận ra địa chỉ cơ quan là Dubna và hiển nhiên là ngôn ngữ làm việc chính là tiếng Nga.

 https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/0370269369904389 [1]

Ấn phẩm khoa học gần đây nhất tìm thấy được lưu trữ quốc tế của bác là vào năm 1999, trên hệ thống lưu trữ thông tin khoa học của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (xem hình). Và như vậy, chỉ tính theo thời điểm còn xuất hiện trên ấn phẩm xuất bản, thì từ 1969 tới 1999 là hơn 30 năm. 3 thập kỷ là khoảng thời gian rất dài.

 https://www.osti.gov/etdeweb/biblio/20140758 [2]

Nói đúng ra, tất cả những thông tin về ông bác ở trên, bà tôi tuyệt nhiên không thể biết gì. Đó là ngày nay, nhờ có Internet và các cơ sở dữ liệu dễ dàng tìm kiếm, nên tôi mới có thể biết. Tuy nhiên, dù vậy thì chắc chắn bà biết “cậu Biên” là một nhà khoa học giỏi, tận tụy và rất tử tế.

Có một lần bà tôi nói, không ra kể cũng chẳng ra phàn nàn, có lẽ là tự lẩm bẩm thì đúng hơn:

– Cậu Biên mày lấy gạo đi cho nghiên cứu sinh.

Nghiên cứu sinh ngành vật lý những năm thập niên 1980 đói quá, ông thầy thương học sinh học trong đói rét, vàng mắt, nên lấy gạo của nhà đi trợ cấp! Đó là “cậu Biên” của “bà Biên”.

Lại một lần “thông tin tiêu cực” khác, bà bảo:

– Cậu Biên mày cân lợn thế nào, bị tính tiền hụt mấy cân thịt lợn.

Lần ấy, về sau bà nói là ông bác giúp bà giao dịch bán lợn xuất chuồng. Lúc cân sáng sớm, nhá nhem, thương lái hay có các trò mánh khóe lừa lọc để làm giảm số cân, ăn bớt tiền của người bán. Ông bác vật lý hạt nhân làm sao mà nắm được mấy mánh khóe gian trá mà đám thương lái trang bị đầy người. Việc mất gần chục kí lô lợn cân hơi hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng ngày bé nghe vậy, thì tôi thắc mắc rất ghê:

– Vì sao một nhà vật lý tài năng, có thể viết các chương trình máy tính hạt nhân lại có thể dễ dàng làm sai toán học của việc cân lợn?

Thế hệ những nhà khoa học chân chính như ông bác tôi thật khác xa đám ngụy khoa học, háo danh, khoác lác, rất phổ biến bây giờ. Lặng lẽ cống hiến. Tìm ra những cách đóng góp. Ngay khi ngành vật lý hạt nhân ở tận cùng của khó khăn, không có học sinh, thiếu thốn đủ đường, ông vẫn tìm ra một lối đi: Dậy máy tính và lập trình. Có hai nhà vật lý lừng danh cùng thời, đều học ở Liên Xô với bác tôi, nay đều đã qua đời: Nguyễn Đình Tứ và Nguyễn Văn Hiệu. Ông Nguyễn Đình Tứ là bạn rất thân thiết, và luôn muốn bác tôi đảm nhiệm công tác quản lý. Nhưng ông luôn từ chối. GS Tứ là người rất thành công trên quan trường. Khi qua đời năm 1996, GS Tứ là đương kim ủy viên bộ chính trị.

Cho tới những năm cuối thập niên 1990s, khi có vấn đề cần thảo luận về các phương trình vi tích phân liên quan (vật lý có một kho tàng rất lớn các bài toán kinh điển đã được giải quyết rốt ráo), tôi vẫn đi xe vào nhà ông để thảo luận.

Một chi tiết rất thú vị, lúc đó khoảng năm 1996, tôi có gửi một bài toán có liên quan trực tiếp ngành tính toán tài chính, trong đó tác giả có dẫn xuất từ một hệ phương trình vật lý. Sau dăm ngày xem, ông bác giải thích cùng tôi các chỗ viết tắt quá. Cơ bản là thấy an tâm.

Tuy nhiên, đúng vào lúc tôi an tâm nhất vì đã hiểu cặn kẽ được lối suy nghĩ và tiếp cận của một bài toán tài chính tầm giải thưởng Nobel, thì ông nói rất giản dị:

– Anh nào đặt bài toán này là tay láu cá thôi.

Mãi sau tôi mới hiểu, đối với những nhà vật lý thực thụ yêu công việc và say mê tìm tòi tri thức, khám phá các biên giới tư duy, chẳng khó khăn gì để nhận ra những thứ mánh khóe, láu cá, làm màu cho đẹp. Kể cả là khi thứ đó có hình dáng từa tựa giải thưởng Nobel.

Bà tôi hay “cậu Biên” cũng đều vậy. Khiêm tốn, giản dị, hiền lành, và rất chăm chỉ. “Bà Biên” chăm làm và không nề hà gì. Bà nuôi lợn, và đã từng thời gian dài đạp xe từ tận ngoại ô xa tới khu tập thể nhà tôi đi xin nước gạo, thùng đồ ăn đổ đi, về đế nấu cám lợn. Sau này, cái thiên nhiên tuyệt đẹp ấy bị phá mất khi người ta đô thị hóa với khu Thanh Xuân, và bà tôi phải lên ở nhà tập thể trên gác 4. Đó là nỗi khổ cùng tận của người suốt đời sống hòa mình với thiên nhiên.

Nhưng giống như “cậu Biên” bà tôi vẫn nghĩ cách để làm. Bà tôi sắm làn nhựa, phích nước, chén nước, túi trà... đi xe đạp vào bán trà thuốc ở trong trường ĐH Tổng hợp. Sau đó nghe nói cũng bị đuổi, phải ra bán ở ngoài cổng. Bà đi bán nước trà để đỡ buồn, để thấy mình còn được lao động, sống có ích.

¤

Một tai nạn nhỏ khiến bà tôi ngã, và bị gẫy xương. Chỉ khi không thể đi được nữa, bà tôi mới chịu dừng loay hoay làm việc. Bà tôi minh mẫn với trí nhớ tuyệt vời cho đến tận trước khi qua đời. Khi Thu Trang đôi tuổi, bà nhìn thấy khi đang chạy chơi, nhớ lại hình ảnh nuôi tôi thời bé ở Móng Cái, và bảo:

– Nhìn nó chạy thình thịch như bố nó ngày xưa.

Rồi bà lại kể những chuyện thời 1972-1975 cho vợ con tôi nghe. Có một điều về sau tôi thấy buồn, hình như khi bà còn sống, không ai có kế hoạch đưa bà về thăm lại Móng Cái. Nơi đó là nơi bà sống và làm việc trước khi về Hà Nội, và đó cũng là nơi bà nuôi tôi sống và lớn.

 Cùng chụp ảnh lưu niệm tại Km số 0 - Tràng Vĩ nơi địa đầu tổ quốc, với vợ Đàm Thu Hà (Móng Cái, 19-11-2022)

Đến tháng 11-2022, sau tròn 50 năm tôi được đưa đến đây nuôi và 14 năm sau khi bà qua đời, tôi mới lại được đặt chân đến Móng Cái, cùng với vợ về lại nơi địa đầu tổ quốc tại đó bà tôi đã nuôi sống tôi trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, chính là thời kỳ B52 rải thảm miền Bắc. Bây giờ Móng Cái được xây dựng lại rất khang trang. Người dân cũng như du khách đều được thưởng thức những đặc sản nức tiếng dân gian như sá sùng, bông thùa hay bào ngư.

Có thể nói, thiên nhiên và cách nuôi dậy bên cạnh thiên nhiên của bà tôi giúp hình thành nên sự yêu mến cây cỏ, côn trùng, môi sinh như trình bày trong bài [3]. Bóng dáng ông bói cá giữa ao ngày nào, giờ đây cũng được ghi lại theo cách riêng [4].

Thật là một ngày tốt để ngẫm và ghi lại chuyện xưa, trước khi trí nhớ kém đi.

*Ghi chú thêm về bức ảnh: Cô bé bà Biên bế trên tay là em họ tôi, trên là Trương Quỳnh Mai. Về sau, cô em họ có thi Hoa hậu quốc tế gì đó cũng có tên tuổi, năm 1995. Hiện định cư ở Úc.

References

[1] Beznogikh, G. G., et al. (1969). The slope parameter of the differential cross-section of elastic pp scattering in energy range 12–70 GeV. Physics Letters B, 30(4), 274-275. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/0370269369904389

[2] Bien, T., & Tinh, N. T. (1999). The expert system for identification of nuclear isotopes. Communications in Physics, 9. https://www.osti.gov/etdeweb/biblio/20140758

[3] Vuong, Q. H. (2020). From children’s literature to sustainability science, and young scientists for a more sustainable Earth. Journal of Sustainability Education, 24. https://philpapers.org/archive/VUOFCL-2.pdf

[4] Vuong, Q. H. (2022). The kingfisher story collection. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.