Friday, November 10, 2023

Những cây gỗ rừng già như tạc vào núi rừng

Hòa Bình 2023

Rừng nguyên sinh, rừng già, nhiệt đới trông hết sức sinh động và vững chãi. Từ xa nhìn lại, thường chúng ta thấy màu xanh đậm, thậm chí xanh đen. Khi tới gần, phong cảnh càng hiện ra nhiều sinh khí, do cây lá bám nhau chằng chịt. Kèm thêm là các thảm thực vật thấp, bên dưới những tán cây lớn.

Trong những bức ảnh dưới đây, những cây thân gỗ cao lớn, vút cao lên, bứt khỏi các tán thấp chính là nét đẹp mà người đi vào những khu rừng nguyên sinh sẽ dễ dàng cảm nhận được.

Hình 1: Cây gỗ cả trăm năm tuổi, chụp ảnh chỉ thấy thân.

Những cây như H1, muốn tiến vào gần hơn để quan sát cũng không dễ. Đôi khi, trông như ở gần lắm, nhưng trong rừng rậm, tiến thêm 20 mét cũng có thể rất “chông gai” (theo nghĩa đen). Ở trong rừng, cây lớn khiến cho trời có vẻ rất tối, mặc dù có thể ngay lúc đó đang nắng tưng bừng.

Hình 2: Một cây gỗ loại tốt (đồng bào Mường gọi tên gì đó không nhớ ra).

Cây trong H2 thì vẫn còn ngửa cổ lên chụp được cái ảnh trông thấy tán lá. Vẫn còn một ít ánh nắng xuyên qua được tán lá cũng đã là tốt lắm cho các thảm cây dưới thấp. Sinh tồn như vậy là khắc nghiệt đấy chứ!

Hình 3: Cây thân gỗ lớn cao vút, quanh đó bám một cây khả năng cây đa. Đây là cây cà lồ, cho gỗ tốt.

Cây bám nhờ thân gỗ trong H3 cũng nhờ thế mà vươn cao vút lên, kích thước cũng khủng khiếp. Cả đôi này đều đón được nắng trên cao giữa núi rừng.

Hình 4: Thỉnh thoáng lắm mới thấy một cây gỗ lớn, trong rừng nhưng lại khá quang đãng, ít vướng các cây bụi hay cây đu bám.

Chỉ vài hình ảnh cũng giúp ta mường tượng độ hấp dẫn tài nguyên, cũng như mức độ khó khăn của bảo tồn sinh thái rừng, khi mà lợi ích kinh tế gia tăng. Rất may, hiện nay các chính sách bảo vệ rừng nguyên sinh đã được truyền đạt tới từng hộ dân, và sinh kế ở vùng đất rừng dưới thấp hơn cũng đã cải thiện và đa dạng. Đây là điều kiện tiên quyết để cách chính sách phát triển bền vững, không hy sinh rừng và tài nguyên sinh thái để đổi lấy lợi ích kinh tế trước mắt có thể được thực thi hiệu quả.

Hình 5: Nhìn từ xa vào khu rừng xanh thẫm, còn khó xác định đâu là cây gỗ lớn cao tuổi.


Xét trên phương diện văn hóa, kể ra cũng có thể vận dụng niềm tin kiểu dân gian như “thần cây đa, ma cây gạo” để khơi dậy giá trị sinh thái bền vững trong nhân dân. Ngoài ra, theo phương thức hiện đại hơn, Cli-fi kiểu “truyện ma môi trường”, tức là linh hồn sinh thái bị diệt quay lại quấy rối những thủ phạm, cũng có thể là một cách khác truyền tải thông điệp bảo tồn, theo cách dễ hiểu như truyện “Ghosts” trong Ngụ ngôn Bói Cá.

Nhưng dù thế nào đi nữa, bóng hình những cây gỗ rừng già cả thế kỷ tạc vào núi rừng một khi đã đi vào tâm khảm người tới thăm, sẽ mãi còn đọng lại ở đó. Sẽ trở thành loại ký ức đặc biệt, ký ức về sức sinh tồn giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Đứng trước vẻ đẹp kỳ vĩ đó, những tay máy chụp thâm niên, hay những dòng chữ của nhà văn điêu luyện, cũng sớm trở nên lóng ngóng, vụng về.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.