Sunday, December 31, 2023

Bài báo trên Tạp chí Cộng sản khép lại năm 2023

Vương Quân Hoàng

Hà Nội, ngày 1-1-2024

Trong ngày nghỉ cuối tuần (đúng Chủ Nhật), cũng lại là ngày cuối cùng của năm 2023 (31-12), bài báo của chúng tôi (đồng tác giả còn có TS. Nguyễn Hồng Sơn của Văn phòng Trung ương Đảng, và TS. Nguyễn Minh Hoàng của ĐH Phenikaa) đã lên trang, và có thể truy cập toàn văn trên trang web của Tạp chí Cộng sản [1]. Bài có tiêu đề: “Từ luận đề văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong thời đại mới”.


Hình: Screenshot bài cuối năm trên trang điện tử Tạp chí Cộng sản [1]

Thời kỳ trước, cứ có thời gian và chủ đề là tôi viết bài gửi, không nề hà chuyện lớn hay nhỏ [2], trong đó có cả bài viết rất sớm đề ngày 15-5-2008 về an ninh tài chính với PGS. Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm [3].

Sau một thời gian dài làm việc với các ẩn phẩm quốc tế, đến nay tôi mới lại có chủ đề liên quan và phù hợp để đóng góp cho ấn phẩm truyền thống lâu đời của Đảng. Nay thấy bài lên trang, cảm xúc thật là vui mừng.

Niềm vui cuối năm này còn nhân lên bội lần trước những dấu hiệu khả quan hơn qua một năm 2023 vượt qua thử thách và sóng gió kinh tế. Một số dữ liệu cơ bản do Tổng cục thống kê công bố cuối năm đã cho thấy những nét đại lược [4]. Một vài điểm đáng ghi lại, xin đúc rút gọn dưới đây.

Lạm phát cả năm 2023 của nền kinh tế Việt Nam ước tính đứng ở mức 3,25%. Đây là mức lạm phát giữ được ổn định ở mức thấp, nếu so với cả năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng, CPI ở mức 3,15% [2]. Giữ được chỉ số kinh tế vĩ mô này ổn định ở mức thấp là nỗ lực hết sức quan trọng và hứa hẹn dư địa cho chính sách tài chính-tiền tệ được thiết lập và vận hành nhịp nhàng, hiệu quả hơn trong năm 2024. Nguyện vọng của cử tri với công tác điều hành kinh tế của chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định cân bằng kinh tế vĩ mô [5] cơ bản đã được đáp ứng qua giai đoạn 2021-2023. Đây là những yếu tố then chốt trong việc giữ cho van điều tiết dòng chảy tài chính-tiền tệ của nền kinh tế vận hành hiệu quả, tránh (hoặc ít nhất là hạn chế hậu quả) các cú sốc có khả năng gây tổn hại đáng kể tới cân bằng kinh tế tổng thể [6]. Lạm phát được kiểm soát, trong bối cảnh tăng trưởng 2 quý đầu 2023 đều cao hơn lạm phát trung bình và mức tăng trưởng hàng quý nhích lên, đã tạo điều kiện cho chính tiền tệ-tín dụng chuyển động theo hướng giảm lãi suất huy động, nhưng vẫn giữ được nguyên tắc lãi suất thực dương cho người dân gửi tiền. Như thế, một điều kiện cần cơ bản để giảm lãi suất cho vay cho các tổ chức kinh tế-xã hội và cư dân được thỏa mãn, mà vẫn đảm bảo nền tảng cho cân đối vĩ mô [6]. Tuy nhiên, điều kiện đủ đã xuất hiện ở quý III, khi mà kênh truyền dẫn thanh khoản qua hệ thống ngân hàng, với các gói cho vay có hỗ trợ lãi suất giảm tới 2 điểm phần trăm, bắt đầu được kích hoạt [7]. Thanh khoản mới của 123.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 5-2023 đã giúp thị trường hạ nhiệt lãi suất cho vay ra, trong khoảng 0,5-3 điểm phần trăm vào thời điểm giữa tháng 7. Thị trường đã có bước điều chỉnh nhịp nhàng sau thời điểm vừa nêu, với việc lãi suất huy động và cho vay ra giảm từng nhịp vừa phải, có thể quan sát rõ nét khoảng 5 đợt như vậy, gần như rải đều cho các tháng. Tính gộp ở mức trung bình, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 2-3%, và trung hạn 1,5% [7-8].

Tới tháng 12-2023, các ngân hàng lớn chi phối hệ thống tín dụng có thể cung ứng lượng tín dụng cho vay mua nhà trong khoảng lãi suất 7-8%/năm (áp dụng cho 12 tháng đầu tiên của khoản vay). Các khoản vay có kỳ hạn >5 năm cũng có mặt bằng lãi suất trong khoảng 8-9% cho 36 tháng đầu tiên [8]. Đây là điều rất đáng mừng, vì giảm áp lực lãi suất mới tạo được điều kiện cơ bản để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Những điều kiện nói trên giúp duy trì được thanh khoản hệ thống tín dụng, mặc dù thời điểm quý I+II đã có những nút thắt về thanh khoản cục bộ, gây thách thức cho điều hành chính sách tài chính-tiền tệ. Tới hết tháng 10-2023, tổng dư nợ với nền kinh tế của hệ thống ngân hàng đạt 12,8 triệu tỷ, tăng 7,41% so với cuối năm 2022 [9].

Từ đây, với ước tính mức tăng trưởng tín dụng khả thi của tháng cuối, tính chung cả năm 2023, mức tăng trưởng có thể dao động 9,8 tới 10%, tôi cũng ước tính tương đương tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế khoảng 13-13,1 triệu tỷ VNĐ (tương đương ~520 tỷ USD, hay 120% tổng GDP).

Bên cạnh đó là ổn định tỷ giá hối đoái, một yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế nước ta [11]. Hiệu quả chung của hệ thống vĩ mô đã trợ lực cho nền kinh tế trong việc ổn định tỷ giá hối đoái, cụ thể ở đây xem xét trong tương quan với đồng ngoại tệ thông dụng nhất, đồng USD. Tỷ giá hối đoái giữ được mức cân đối về giá trị so với các đồng tiền khu vực. Năm 2023, đồng tiền VNĐ chỉ giảm giá trị so với đồng USD (tính trung bình tháng cuối 2022) ở mức -1,04%. Trong khi đó, tôi thử tính toán sơ bộ thì đồng Yên Nhật JPY -6,02%, đồng Won Hàn Quốc (KRW) -1,3%, và đồng Nhân Dân Tệ -2,49%. Thực chất mức giảm giá trị của VNĐ có yếu tố tương quan với mức tăng lãi suất của FED trong năm nhằm kiểm soát lạm phát của Hoa Kỳ. (Cũng cùng lý do chính sách tiền tệ chống lạm phát này, mà đồng EUR tăng giá so với đồng USD, mặc dù tình trạng kinh tế của EU yếu hơn Hoa Kỳ trong năm.)

Nhờ việc đồng tiền có mức giảm giá trị không nhiều so với USD, trong khi thanh khoản dồi dào (nhờ xuất siêu trong cán cân thương mại quốc tế, kiều hối và dòng vốn đầu tư ròng dương), nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế tăng. Từ cơ sở thực tiễn này mà Ngân hàng Nhà nước đã có điều kiện củng cố dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo ước tính của IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam 2023 đã tăng lên mức ~100 tỷ USD, và có khả năng bổ sung thêm 10 tỷ USD trong năm 2024 [8].

Các điều kiện căn bản vĩ mô giúp nền kinh tế đạt được mức độ cân bằng tổng thể như hiện tại, giúp ta có thể kỳ vọng một năm 2024 duy trì chính sách kinh tế ổn định, mặt bằng lãi suất dễ thở và sự phục hồi về giá trị/thanh khoản của thị trường cổ phiếu. Khu vực công nghiệp-chế tạo và dịch vụ trực tiếp phục vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nền kinh tế phục hồi khả quan. Đây cũng là quy luật phù hợp với hành trình đổi mới kinh tế 4 thập niên qua ở Việt Nam [12].

References

[1] Hoàng, V. Q., Sơn, N. H., & Hoàng, N. M. (2023, Dec. 31). Từ luận đề văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong thời đại mới. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/867002/view_content

[2] Hoàng, V. Q. (2012). Điểm lại các bài viết trên Tạp chí Cộng sản giai đoạn 2008-2010. https://philpapers.org/archive/HONILC.pdf

[3] Chính, P. M., & Hoàng, V. Q. (2008, May 15). Bảy dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý để ổn định nền tài chính quốc gia. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1420/bay-dau-hieu-canh-bao-can-luu-y-de-on-dinh-nen-tai-chinh-quoc-gia.aspx

[4] Chính phủ. (2023, Dec. 30). Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2023-119231229132458993.htm

[5] Kiên, L., An, N., & Thanh, L. (2021, Apr. 5). Kỳ vọng Chính phủ mới: Tạo đột phá, đưa đất nước phát triển bền vững. https://tuoitre.vn/ky-vong-chinh-phu-moi-tao-dot-pha-dua-dat-nuoc-phat-trien-ben-vung-20210405082237431.htm

[6] Chính, P. M., & Hoàng, V. Q. (2009). Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá. Nxb Chính trị Quốc gia. https://books.google.com/books?id=1Wxg3gafpJ4C

[7] Lan, H. (2023, Jul. 17). Lãi suất cho vay mới đã giảm 0,5% đến 3% so với cuối năm 2022. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM281462

[8] Vinh, T. (2023, Dec. 4). Lãi suất vay đang ở mức thấp kỷ lục. https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/lai-suat-vay-dang-o-muc-thap-ky-luc-post335140.html

[9] SBV. (2023, Nov. 1). Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng. https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/dntddvnkt

[10] Nhi, T. (2023, Dec. 22). Dự trữ ngoại hối năm 2023 của Việt Nam dự báo đạt 100 tỷ USD. https://congly.vn/du-tru-ngoai-hoi-nam-2023-cua-viet-nam-du-bao-dat-100-ty-usd-410359.html

[11] Hoàng, V. Q., & Chí, N. P. (2002). Tiếp cận lý thuyết tỷ giá kép. Nghiên cứu Kinh tế, 43(9), 18-27. https://philpapers.org/archive/HONTCL-3.pdf

[12] Vuong, Q. H. (2018). The financial economy of Viet Nam in an age of reform, 1986–2016. In: Routledge handbook of banking and finance in Asia (pp. 201-222). Routledge. https://www.taylorfrancis.com/chapters/edit/10.4324/9781315543222-12/


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.